Binh sĩ Đức tham chiến trong Thế chiến thứ hai. Ảnh: blogspot.com
Một tranh chân dung của Benedict Arnold. Ảnh: Wikipedia
Ảnh minh họa: blogspot.com
Những chiêu đánh lừa táo bạo trong chiến tranh (kỳ 1)
Hồng quân Liên Xô tạo ra một đội quân Đức giả mạo để lấy người, hàng hóa của chính quyền Quốc Xã, còn một tướng Mỹ dùng khúc gỗ để ép đối phương đầu hàng.
Lập đội quân giả để lấy hàng, người của địch
Từ tháng 8/1944 tới tháng 5/1945, Hồng quân Liên Xô tạo ra một đội quân Đức giả mạo gồm 2.500 người để tìm hiểu hệ thống ban hành mệnh lệnh và mật mã tình báo của phát xít Đức, The Siberian Times đưa tin. Thành viên của lực lượng này đều là người Đức - gồm đảng viên Cộng sản và tù binh Đức. Người chỉ huy họ là Heinrich Scherhorn, một tù binh Đức có khả năng nói cả tiếng Anh và Pháp. Scherhorn từng mang quân hàm trung tá trước khi Hồng quân bắt ông ta.
Hồng quân tạo mọi điều kiện để giới lãnh đạo phát xít ở Berlin nghĩ rằng 2.500 lính Đức mắc kẹt phía sau chiến tuyến của Liên Xô nhưng vẫn cố kháng cự dưới sự chỉ huy của Scherhorn. Sau đó họ liên lạc với đại bản doanh của quân đội Đức để yêu cầu Berlin tiếp tế, đồng thời giúp họ đột phá tiền tuyến của Hồng quân để về nước. Mẹo của Hồng quân phát huy hiệu quả. Từ tháng 8/1944 tới khi Đại chiến Thế giới thứ hai kết thúc, quân Đức liên tục thả người và hàng hóa để tiếp tế cho đội quân giả mạo.
Trong suốt quá trình chiến dịch Scherhorn diễn ra, Hồng quân thu một lượng lớn hàng hóa và bắt 25 sĩ quan Đức. Sau đó họ thuyết phục những sĩ quan Đức ấy tham gia trò lừa. Những tướng lĩnh ở Đức không bao giờ nhận ra rằng Hồng quân đang đánh lừa họ. Trùm phát xít Adolf Hitler tin tưởng tuyệt đối toàn bộ kịch bản mà Hồng quân vẽ ra. Thậm chí ông ta còn thăng cấp và trao huân chương vắng mặt cho Scherhorn và các binh sĩ giả mạo.
Cố tình để đối phương chiến thắng
Benedict Arnold, một tướng tài năng trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, là một trong những kẻ phản bội nổi tiếng nhất trong lịch sử. Nhưng trước khi phản bội quân thuộc địa để giúp đỡ quân Anh, tài năng quân sự xuất chúng của ông thể hiện trong Trận chiến đảo Valcour vào tháng 10/1776. Trên hồ Champlain, 15 tàu chiến của Arnold phải đối đầu với 25 tàu chiến tối tân hơn của Anh. Với hiểu biết thông thường, mọi người đều đoán hạm đội Anh sẽ đập tan hạm đội của quân thuộc địa.
Quả thực hạm đội Anh giành thắng lợi mang tính chiến thuật, nhưng về sau họ mới biết Arnold cố tình tạo điều kiện cho đối thủ giành ưu thế để đoạt thắng lợi cuối cùng, New York Daily News cho hay. Sự hiện diện của hạm đội quân thuộc địa khiến Hải quân Anh phải dành khá nhiều thời gian để đóng các chiến hạm. Vào thời điểm họ đóng xong các tàu và giành thắng lợi, mùa đông đã tới gần, buộc các tàu chiến Anh phải lui về Canada và hoãn kế hoạch tấn công bang New York vào năm sau. Thực tế đó mang đến cho quân thuộc địa khá nhiều thời gian để xây dựng các hệ thống phòng thủ. Vì thế, khi quân Anh tấn công bang New York vào năm 1777, họ hứng chịu thất bại thê thảm.
Dọa kẻ thù bằng vũ khí giả
Trong nhiều cuộc chiến tranh, người ta từng phết sơn đen lên những khúc gỗ hoặc các vật liệu khác để tạo nên những khẩu đại bác giả. Đây là công cụ để một đội quân đe dọa hoặc đánh lừa đối phương. Tất nhiên, số vụ đầu hàng vì đại bác giả rất hiếm, song một vụ như vậy từng xảy ra trong cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ. Vào ngày 4/12/1780, đại tá William Washington – một em họ của tổng thống Mỹ George Washington - chỉ huy một chiến dịch quân sự ở bang South Carolina. Ông phát hiện 115 người trung thành với Anh cố thủ bên trọng một ngôi nhà.
Không muốn hao binh và tốn đạn bởi những người trong ngôi nhà, William ra lệnh cho thuộc cấp phết sơn đen lên một khúc gỗ để nó giống khẩu súng đại bác. Viên đại tá tuyên bố ông sẽ bắn đại bác nếu những người ẩn náu trong ngôi nhà không đầu hàng vô điều kiện, Fox New đưa tin. Ngay sau đó lực lượng bên trong ngôi nhà hạ vũ khí và bước ra ngoài. Đến khi những binh sĩ trung thành với Anh nhận ra “khẩu đại bác” chỉ là một khúc gỗ thì họ đã không còn vũ khí để chiến đấu.
Khiến đối phương buông vũ khí bằng thư giả
Vào tháng 3/1271, vua Baybars tài năng của Ai Cập dẫn một đội quân Hồi giáo tới vùng đất thuộc Syria ngày nay để bao vây Krak des Chevaliers – một trong những lâu đài do dòng tu Hiệp sĩ Cứu tế kiểm soát. Lực lượng của Baybars siết dần vòng vây và đẩy các hiệp sĩ Cứu tế vào bên trong lâu đài trước ngày cuối cùng của tháng 3.
Biết rằng đối phương sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, vua Baybars ra lệnh cho thuộc hạ mạo danh thủ lĩnh của dòng tu Hiệp sĩ Cứu tế để viết một lá thư. Sau đó họ gửi thư cho các chiến binh trong lâu đài. Theo Guardian, nội dung lá thư yêu cầu và cho phép các hiệp sĩ đầu hàng. Lực lượng phòng thủ mắc mưu Baybars và đầu hàng quân Hồi giáo. Nhà vua tha mạng họ, đồng thời cho phép họ tới Tripoli (thuộc Libya ngày nay) với điều kiện họ không bao giờ trở lại. Vào tháng 4/1271, quân Ai Cập kiểm soát hoàn toàn lâu đài và biến nó thành một pháo đài của họ.
Không có nhận xét nào: