Hai bộ lạc Ả rập giao chiến tới 40 năm vì một con lạc đà lọt vào giữa bầy cừu, trong khi Anh và Iceland xung đột vì quyền khai thác cá tuyết.
Chiến tranh vì một con lạc đà
Chiến tranh Al Basoos là cuộc chiến kéo dài 40 năm, từ năm 494 đến năm 534, giữa hai bộ lạc Ả rập - Thaglib và Bakr. Người ta gọi cuộc chiến theo tên của một cụ bà.
Xung đột nổ ra khi một con lạc đà gần nhà cụ Al Basoos lọt vào giữa bầy cừu của Kulyab, thủ lĩnh bộ lạc Thaglib. Kulyab giết nó. Cháu của bà Al Basoos, thủ lĩnh bộ lạc Bakr, biết chuyện và giết Kulyab để trả thù, gây ra cuộc chiến giữa hai bộ lạc. Cuộc chiến chìm dần vào quên lãng và không ai biết bên nào giành chiến thắng.
Chiến tranh vì cá
Cá tuyết là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh giữa Iceland và Anh. Ảnh: CBC |
Chiến tranh Cá tuyết là tên mang tính châm biếm của cuộc đối đầu giữa Iceland và Anh về quyền khai thác cá. Năm 1958, cuộc xung đột đầu tiên nổ ra khi Iceland mở rộng phạm vi đánh cá từ 6,4 km lên 19,3 km. 14 năm sau, Iceland mở rộng đường biên giới biển lên 80,5 km. Quyết định ấy dẫn đến xung đột lần thứ hai. Iceland muốn độc quyền đánh bắt cá vì đây là nguồn thu duy nhất của cả nước. Hai nước ký một thỏa thuận mà theo đó, Iceland cho phép tàu Anh đánh cá tại một số vùng biển nhất định nhưng phải trả thuế khai thác. Tháng 10/1975, thỏa thuận hết hạn. Iceland tiếp tục mở rộng lãnh hải lên 322 km và cấm tàu Anh đánh cá tại vùng biển thuộc chủ quyền Iceland. Anh huy động hơn 20 tàu khu trục bảo vệ lợi ích của ngư dân của họ khiến xung đột lần thứ ba nổ ra.
Iceland đe dọa đóng cửa căn cứ Keflavik, một căn cứ chiến lược của NATO trong Chiến tranh Lạnh, buộc NATO và Mỹ can thiệp vào cuộc tranh chấp. Anh cũng như các nước khác chấp nhận nhượng bộ trong các cuộc xung đột với Iceland.
Chiến tranh mật ong
Hình minh họa đường biên giới dài 15 km giữa bang Iowa và bang Missouri, Mỹ. Ảnh:blogspot.com |
Chiến tranh mật ong là cuộc tranh chấp đường biên giới với chiều dài 15 km giữa Iowa và Missouri - hai bang của Mỹ - trong năm 1830. Nguyên nhân sâu xa của xung đột là sự mập mờ của Hiến pháp bang Missouri. Sau khi bang Iowa giam một cảnh sát trưởng thuộc bang Missouri đang cố thu thuế ở khu vực tranh chấp, Thống đốc hai bang ra lệnh lực lượng dân quân tăng cường tuần tra biên giới. Người ta gọi đây là chiến tranh mật ong vì khu vực tranh chấp có 3 cây chứa mật ong giá trị cao.
Xung đột kéo dài đến khi Tòa án Tối cao can thiệp, tuyên bố bang Iowa giành chiến thắng.
Cuộc chiến giành ngai vàng
Trong giai đoạn từ cuối thế ỷ XIX tới đầu thế kỷ XX, người dân châu Phi nổi dậy chống Anh. Với ưu thế của súng, Anh nhanh chóng dập tắt các cuộc nổi dậy, bao gồm cuộc đấu tranh của vương quốc Ashanti (ngày nay là Ghana).
Sau cuộc giao tranh ban đầu, quân đội Anh lưu đày vua Premeph I của Ashanti. Năm 1900, tướng chỉ huy quân Anh, Frederick Mitchell Hodgson, đòi ngồi lên ngai vàng trong hội đồng vương quốc Ashanti, theo African Globe. Đây là một sự xúc phạm khủng khiếp đối với người dân vì họ luôn coi ngai vàng là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc và chỉ thuộc về nhà vua. Để bảo vệ di sản nước nhà, một phụ nữ tên Yaa Asantewaa tập hợp lực lượng và tuyên chiến với Anh.
Mặc dù cuối cùng Anh thành công trong việc chiếm Ashanti nhưng người dân đã chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ ngai vàng.
Chiến tranh Ruốc
Ảnh minh họa: blogspot.com |
Chiến tranh Ruốc là cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng giữa hai công ty kinh doanh lông thú của Anh tại Canada, công ty Vịnh Hodson (HBC) và công ty North West (NWC). Mâu thuẫn nảy sinh vào năm 1811, khi Thomas Douglas, Bá tước xứ Selkrik, Anh, triển khai dự án di dân tới Thuộc địa Sông Hồng trên vùng đất rộng 193.121 km2 thuộc HBC.
Douglas muốn dành quyền kinh doanh lông thú cho HBC nên ông cấm tất cả người Métis (những người châu Âu kết hôn với người Canada) giao dịch thương mại với NWC. Năm 1814, Thống đốc khu vực Thuộc địa Sông Hồng cấm người Métis giết trâu. Người Métis vô cùng tức giận nên đua nhau xẻ thịt trâu để làm ruốc.
Thống đốc lại ban hành lệnh cấm xuất khẩu ruốc, rồi tịch thu 400 túi ruốc thuộc NWC và buộc công ty này chấm dứt kinh doanh trên Thuộc địa Sông Hồng. NWC cùng người Métis tuyên chiến với HBC và Sông Hồng. Họ cướp bóc, đốt phá các đồn thuộc HBC. Cuộc cạnh tranh thương mại giữa hai công ty trở thành chiến tranh khi HBC trả đũa bằng lực lượng dân quân.
Cuối cùng, Hoàng gia Anh cảm thấy hổ thẹn trước hành động của HBC và NWC, buộc hai công ty sáp nhập với nhau.
Không có nhận xét nào: